Không mất tiền thuê nhà và chỉ có nguồn thu duy nhất, Nghiêm Hà tìm cách sống tiết kiệm với ba triệu đồng mỗi tháng, tối giản các nhu cầu giải trí.
Nghiêm Hà. Ảnh: NVCC
Trong một video trên Tik Tok, Nghiêm Hà (chủ tài khoản Tik Tok nghiem_ha, nhân viên văn phòng) liệt kê các chi phí cố định mỗi tháng gồm:
– Tiền điện nước: 500.000 đồng
– Vé xe buýt: 300.000 đồng
– Điện thoại: 90.000 đồng
– Tiền ăn (bữa sáng, tối): 1.500.000 đồng
– Nhu cầu giải trí, làm đẹp, quần áo: 600.000 đồng
Cô lý giải về việc đặt ngân sách ba triệu đồng cho một tháng sinh sống tại Hà Nội: “Mình hiện chỉ có một nguồn thu duy nhất, là mức lương cơ bản đối với nhân viên văn phòng tại thành phố lớn. Nên nếu mình không tiết kiệm, tức là mình đang tự đặt bản thân vào thế bấp bênh. Hơn nữa, tuổi lao động của mình cũng có hạn, nên nếu không lên kế hoạch sớm, tuổi già sẽ rất bất an”.
Cô gái độc thân cho biết đã theo đuổi mức ngân sách ba triệu đồng/tháng từ năm 2019. Với cô, đây là một quá trình dài hơi, thi thoảng bị ngắt quãng. “Trở ngại lớn lúc đầu khi tuân theo ngân sách này đến từ lý do bên trong, là thói quen, nhu cầu, khả năng sắp xếp, tính kỷ luật của mình”, cô cho hay. Vì vậy, Nghiêm Hà liên tục phải cân đối các khoản chi, tạo thói quen chi tiêu tiết kiệm hơn và đến khoảng đầu 2023, cô mới đưa được các khoản phí cố định vào quỹ đạo.
Nghiêm Hà có quyển sổ để ghi lại các khoản chi tiêu theo tháng.
Để không lạm chi ngân sách, Nghiêm Hà quan niệm “ít tiền nên phải quản lý được từng đồng trong lòng bàn tay”. Cô tạo riêng một quyển sổ, khi lương về, cô chia thành các khoản “Tiền ăn”, “Quỹ trải nghiệm”, “Tiền mua sắm”. Ví dụ, cô ghi rõ số tiền ăn cần chi, cuối tháng tổng kết lý do tiền đủ hoặc thiếu. Nếu còn thừa tiền, cô cộng dồn vào tiền ăn của tháng sau. Với quỹ trải nghiệm, cô cũng ghi rõ các hạng mục chi để biết mình đã sử dụng tiền như thế nào. “Nhờ cách hệ thống này, cuối một năm, mình có thể nhìn thấy là mình đã tiêu tiền vào việc gì. Khi nhìn thấy lộ trình của sự tiết kiệm, mình điều chỉnh cho phù hợp, miễn sao quản lý được con số”, cô nói.
Về các nhu cầu giải trí, giao lưu, Nghiêm Hà cảm thấy việc cắt giảm chúng không quá khó khăn bởi cô có vòng tròn mối quan hệ nhỏ. Bản thân cô cũng không phải ở trọ nên không phải chi khoản tiền này. Riêng tiền ăn trưa, công ty hỗ trợ nên cô tự nấu bữa sáng, tối, hạn chế ăn ngoài tiệm, thi thoảng về quê ăn cơm với ba mẹ. Số tiền còn dư từ lương, Nghiêm Hà đưa thêm để phụ giúp bố mẹ theo khả năng. Đôi khi, có một vài tháng, Nghiêm Hà bị lạm chi bởi các việc phát sinh. Cô nàng độc thân nói thêm: “Nhưng cách chi tiêu của mình mang tính cá nhân, không có công thức chung cho tất cả mọi người”.
Hiện tại, Nghiêm Hà chưa đặt mục tiêu sau bao năm đi làm phải có nhà, xe bởi cô nhận thấy giá nhà ở Hà Nội đang rất đắt đỏ và xe chưa phải nhu cầu cấp thiết. “Mình không muốn đẩy bản thân vào áp lực quá lớn, có thể gây ra sự chán nản, thất vọng, tù túng. Nhưng mình có các mục tiêu khác về hoàn thiện bản thân, nâng cao kiến thức, xây dựng khí chất, tìm cách tận hưởng tối đa những điều mình đang có”.