Sinh ra ở Việt Nam, nhưng Giáo sư Lưu Lệ Hằng bằng sự nỗ lực và đam mê của mình đã gặt hái được những thành công vang dội trên đất Mỹ.
Đam mê bất tận với thiên văn học
Giáo sư Lưu Lệ Hằng, tên ở Mỹ là Jane X. Luu, sinh năm 1963 tại TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 1975, bà cùng người thân sang Mỹ định cư tại nhà một số họ hàng ở tiểu bang Kentucky.
Ngay từ khi còn đi học, bà Lưu Lệ Hằng đã bộc lộ những tố chất của một nhà khoa học khi luôn đạt thành tích tốt và danh hiệu cao dù đối mặt với khó khăn về kinh tế, văn hóa ở một đất nước xa lạ.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Lưu Lệ Hằng đã xuất sắc giành được học bổng của trường đại học Stanford. Tiếp đó, bà đều giành các văn bằng xuất sắc ở những cơ sở đào tạo nổi tiếng hàng đầu như: Thủ khoa Cử nhân Vật lý tại Đại học Stanford năm 1984, Thạc sĩ Cao học tại Viện Berkeley thuộc Đại học California và cuối cùng, bằng Tiến sĩ Vật lý Thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT năm 1990.
Chân dung Giáo sư Lưu Lệ Hằng. Ảnh: Hanoitv.vn
Ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, bà Lưu Lệ Hằng đã có niềm yêu thích đặc biệt với ngành thiên văn học. Tại Học viện Công nghệ Massachustts, bà đã gặp được thầy hướng dẫn của mình là David Jewitt. Cả hai cùng đặc biệt chú ý đến phỏng đoán của nhà thiên văn học người Mỹ gốc Hà Lan – Gerard Kuiper khi ông này cho rằng, có một vành đai các tiểu hành tinh ở vùng cửa ngõ hệ Mặt trời. Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học đã dành cả đời nghiên cứu phỏng đoán này nhưng đều thất bại, do đó nó bị coi là vô căn cứ.
Thế nhưng, với niềm tin “biết đâu có điều đặc biệt nào đó chưa được tìm ra”, vào năm 1987, Lưu Lệ Hằng cùng David Jewitt đã bắt đầu nghiên cứu phỏng đoán của Kuiper. Họ đã phải dùng tiền túi của mình để theo đuổi nghiên cứu vì phần lớn những nhà tài trợ đều cho rằng đây là chuyện không thu được kết quả.
Vào 1988, Daivid rời Học viện công nghệ Massachustts, đến Hawai công tác. Lưu Lệ Hằng đã phải vừa làm việc vừa tích cóp tiền để bay sang Hawaii làm việc với Daivid trong vòng ba tuần. Họ tích cực làm việc quên ngày đêm trên đài thiên văn Mauna Kea. Ngoài ra còn sử dụng thêm máy ảnh kỹ thuật số thế hệ mới, mỗi lần quan sát phải chụp liên tiếp ba tấm hình để đối chiếu xem có vật thể nào đã thay đổi vị trí hay không vì như vậy mới chính xác. Dù phải nghiên cứu trong hoàn cảnh khó khăn và vất vả, nhưng Giáo sư Lưu Lệ Hằng luôn giữ cho mình châm ngôn của Edison: “Thiên tài chỉ có 1% cảm hứng, còn 99% là mồ hôi” làm động lực để tiếp tục nghiên cứu.
Giáo sư Lưu Lệ Hằng cùng thầy hướng dẫn của mình là David Jewitt. Ảnh tư liệu từ Giải Shaw.
Được lấy tên đặt cho tiểu hành tinh
Và rồi những nỗ lực của họ đã được đền đáp, đến năm 1992, họ đã phát hiện ra thiên thạch mới có đường kính 280 km bằng 1/8 Pluto (Diêm vương tinh) và đặt tên là 1992 QB1.
Sau đó, Lưu Lệ Hằng và David Jewitt tiếp tục nghiên cứu và phát hiện ngoài tiểu hành tinh đầu tiên, còn có khoảng 70.000 vật thể khác có đường kính lớn hơn 100 km, và hàng triệu vật thể có đường kính nhỏ hơn. Trong đó, Diêm Vương tinh cũng chỉ là một tiểu hành tinh. Tất cả chúng hợp thành một quần thể và được gọi là Vành đai Kuiper. Bằng sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ, Lưu Lệ Hằng và các cộng sự đã chứng minh rằng, phỏng đoán của Gerard Kuiper là hoàn toàn chính xác, gây tiếng vang lớn trong giới thiên văn quốc tế.
Để vinh danh Lưu Lệ Hằng, cộng đồng thiên văn học thế giới đã chọn một tiểu hành tinh trong Vành đai Kuper đặt tên là Asteroid 5430 Luu. Nhờ đó bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới được trao giải thưởng Kavli – được xem là giải Nobel trong lĩnh vực vật lý thiên văn vào năm 2012 của Na Uy. Cũng trong 2012, tại Hong Kong, Quỹ Shaw đã xướng danh Giáo sư Lưu Lệ Hằng đạt giải Shaw Thiên văn học 2012 về những đóng góp của bà trong việc định danh “các vật thể ngoài Hải Vương tinh”.
Từ năm 1994, bà là giảng viên khoa Thiên văn học tại Đại học Harvard. Sau đó bà sang Hà Lan tham gia giảng dạy tại Đại học Leiden. Dù nổi danh nhờ lĩnh vực thiên văn, GS. Lưu Lệ Hằng vẫn rẽ ngang để tìm kiếm thử thách mới. Hiện tại bà là chuyên gia kỹ thuật của Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện Công nghệ Massachusetts.
Dù gặt hái được những thành công vang dội trên toàn thế giới nhưng Giáo sư Lưu Lệ Hằng vẫn luôn tự hào khi mình là một người con của đất Việt. Bà luôn thể hiện tình cảm của mình với quê hương và hy vọng có thể thổi bùng ngọn lửa yêu khoa học tới mọi người.
Năm 2015, bà đã có chuyến về Việt Nam trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”. Những chia sẻ của bà đã mang đến nguồn cảm hứng và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong tương lai :“Việt Nam rất đẹp… nên giữ gìn vẻ đẹp của đất nước”, hay “Đất đai là chúng ta mượn của con cháu, nên chúng ta phải giữ gìn cho con cháu”…
Theo Tri Thức & Cuộc sống