Chị em hay bảo nhau: “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng” mỗi khi ai đó khoe chồng tình cảm, yêu chiều, nâng niu vợ. Trên thực tế, dù có muốn thừa nhận hay không th có người chồng lo cho mình mọi thứ, muốn đồ hiệu có đồ hiệu, muốn tiền tiêu có tiền tiêu vẫn là một điều đáng mơ của không ít phụ nữ.
Nếu người chồng ấy còn lo toan, đối tốt với đằng ngoại, việc nhà ngoại cũng săm sắm như nhà mình thì lại càng là ông chồng quốc dân. Bởi thế mà có không ít đằng ngoại, gả được con gái vào nhà gia thế, có con rể giàu có thì tranh thủ xin xỏ nay cái này mai cái khác hoặc gợi ý con gái sắm sanh đồ đạc (bằng tiền chồng nó), cấp đỡ cho em còn ăn học.
Những cũng vì thế mới có chuyện, nhiều cô ban đầu được cưng chiều như trứng mỏng, càng về sau càng lép vế dần, mất đi tiếng nói trong gia đình chồng vì cả nhà mình “tầm gửi”.
Có một thực tế là, đàn ông Việt không phải ai cũng trân trọng vợ nếu cô ấy ở nhà hay nói trắng ra là không đóng góp trực tiếp vào kinh tế gia đình. Dẫu rằng sự vất vả của một bà nội trợ chẳng hề kém một phụ nữ đi làm.
Vì vậy nhiều phụ nữ Việt ở nhà nội trợ, chăm con vẫn mặc nhiên bị coi nhẹ, không chỉ bởi chồng mà còn từ nhiều người khác xung quanh cuộc đời họ. Ai đó có cả nhà ngoại nương dựa vào con rể thì còn bi kịch hơn. Sự phụ thuộc, ràng buộc về kinh tế khiến họ bị mất giá, bị coi như một loại tầm gửi bám cành, rời chồng ra là chết.
Thế nên đừng tin vào những lời nói thốt ra trong cơn say tình như: “Lo gì, ở nhà anh nuôi” hay “trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ”. Đến cỏ bây giờ còn mất tiền mua, huống chi là cơm ăn, áo mặc hằng ngày.
Phụ thuộc vào người khác dù ở xã hội hay gia đình đều ít nhiều khiến bạn mất đi vị thế của mình. Thế nên đừng đặt gánh nặng nuôi con lên một mình vai chồng, đừng bắt chồng phải móc hầu bao ra chi trả mọi chi phí cuộc sống cho mình. Cũng đừng để nhà mình dựa dẫm vào chồng hay nhà nội. Có thế trong con đường dài đi cùng nhau mới có thể bình đẳng và tôn trọng.