Cách làm xôi đen từ lá sau sau, đặc sản độc đáo miền núi phía Bắc

Cách làm xôi đen từ lá sau sau, đặc sản độc đáo miền núi phía Bắc

Ở miền núi phía Bắc, nhiều dân tộc có những món xôi ngũ sắc đẹp mắt từ các loại lá cây rừng và món xôi đen cũng là một trong số đó. Mời các bạn hãy cùng tham khảo bí quyết nấu món xôi đen từ lá sau sau qua bài viết dưới đây nhé.

Cách làm xôi đen từ lá sau sau

Xôi đen là món ăn quen thuộc của dân tộc Sán Dìu, dân tộc Tày… ở một số địa phương miền núi phía Bắc. Đây là món ăn quen thuộc trong ngày lễ Thanh Minh tảo mộ hàng năm của nơi đây.

Nguyên liệu chính:

Xôi đen được làm từ 2 nguyên liệu chính gồm gạo nếp và lá cây sau sau.

Cây sau sau là loại cây thân gỗ thường mọc trên rừng núi tại một số tỉnh ở vùng miền núi phía Bắc. Cây sau sau có thân cây thẳng, vươn cao khoảng trên 10m. Ngọn lá non có mùi thơm dễ chịu được dùng để ăn sống, xào nấu và nhuộm xôi. Thời điểm cây sau sau phát triển tốt nhất, thích hợp để hái lá sau sau làm xôi là từ tháng 2, 3 âm lịch, người dân địa phương nói đây là thời điểm lấy được lá sau sau ngon nhất. Lá sau sau thường có 3 cánh hoặc 5 cánh, theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng thì lá sau sau 5 cánh khi đồ xôi sẽ có hương vị thơm ngon hơn nhiều.

Cách làm:

Để nấu được món xôi đen từ lá sau sau thơm ngon và đẹp mắt cần chọn lá bánh tẻ, mùi thơm nhẹ. Sơ chế lá sau sau rất đơn giản, chỉ cần băm nhỏ, giã đều tay rồi ngâm nước để ra nhựa sau đó cho gạo nếp ngâm khoảng 10 giờ đồng hồ với dung dịch nhựa sau sau đến khi gạo cho màu màu xanh thẫm là đạt yêu cầu.

Gạo nấu xôi phải là gạo nếp ngon, người dân thường dùng nếp cái hoa vàng. Gạo nếp vo sạch, loại bỏ những hạt không đủ tiêu chuẩn đi. Sau đó ngâm gạo cùng với nước nhựa lá sau sau khoảng từ 10 đến 12 tiếng khi gạo cho màu xanh thẫm. Thời gian ngâm càng lâu khi đồ xôi sẽ càng dẻo và mềm.

Sau khi sơ chế xong gạo nếp và lá sau sau thì bạn cho gạo vào nồi và thực hiện đồ xôi như cách thông thường. Để món xôi được thơm ngon béo ngậy hơn, các bạn có thể cho thêm một chút nước cốt dừa để tăng hương vị. Tuy nhiên bạn không nên cho nhiều quá để tránh làm mất mùi hương đặc trưng của lá sau sau. Khi xới xôi ra đĩa, xôi đen thơm dẻo, có màu đen nhánh, ăn một miếng xôi có thể cảm nhận mùi thơm thoang thoảng của lá cây rừng rất ngon và lạ miệng.

 

Bí quyết để để làm xôi đen ngon lên màu đẹp của người dân tộc là phải chọn lá sau sau tốt. Khi nấu xôi dùng lượng lá đủ để tạo màu đen đẹp, nếu cho ít lá quá thì xôi sẽ bị nhạt màu.

Bạn có thể kết hợp xôi đen làm từ lá sau sau với xôi nghệ, xôi gấc, xôi lá cẩm ăn kèm để có nhiều hương vị khác hơn, tạo màu sắc đẹp mắt và hấp dẫn.

Xôi đen từ lá sau sau – Văn hóa ẩm thực đặc trưng của các dân tộc miền núi phía Bắc

 

Vào tiết Thanh minh, các gia đình dậy từ sớm làm cỗ, đồ xôi với nhiều màu sắc để thắp hương cho tổ tiên. Xôi đen trở thành một trong những món ăn không thể thiếu của người Tày, Nùng ở phía Bắc dịp lễ, tết. Theo quan niệm của người Nùng, mâm xôi nhiều màu sắc mang những ý nghĩa khác nhau, tượng trưng cho âm dương, ngũ hành, biểu tượng của những giá trị văn hóa truyền thống.

Đây là món ăn đại diện cho sự hiếu thảo và tấm lòng thành kính và của con cháu với lên tổ tiên. Qua đó, cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới bình an, có nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.

Công dụng của lá và cây sau sau

Theo Đông y, lá vị đắng, tính bình; tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ huyết. Quả sau sau có vị đắng, mùi thơm, tính bình; tác dụng chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, tâm vị đau trướng, thủy thũng, tiểu tiện khó, mề đay, viêm da, chàm.. Nhựa có vị ngọt, cay, tính ấm; tác dụng thông khiếu, khai uất, khứ đàm, hoạt huyết giảm đau. Rễ: vị đắng, tính ấm; tác dụng khứ thấp, chỉ thống.

Một số bài thuốc từ cây sau sau

Theo tài liệu Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, có thể áp dụng một số bài thuốc chữa bệnh từ cây sau sau như sau:

– Chữa đau răng, sâu răng: Nhựa sau sau đốt cháy… tán nhỏ, xỉa răng.

– Chữa lở ngứa, mày đay, nổi mẩn: Lá hay vỏ cây sau sau nấu nước, tắm rửa.

– Chữa thấp khớp, lưng gối đau, tay chân co quắp, toàn thân tê đau: Quả sau sau, hoa thông hoặc lõi thông (tùng tiết), mỗi vị 20g, sắc uống Phụ nữ có thai không được dùng.

– Chữa mụn nhọt, sưng lở, bi thương đau nhức hay chảy máu, phong thấp sưng đau: Nhựa sau sau. nhựa thông. Mỗi vị 40g, sáp ong, dầu vừng, mỗi vị 10g. Đun và đánh đều cho loãng ra, để nguội phết lên giấy, dán vào chỗ đau.

Cách làm xôi đen từ lá sau sau không hề khó. Kết hợp hai nguyên liệu là gạo nếp và lá sau sau hòa quyện lại tạo ra món ăn vô cùng thơm ngon, đậm đà, giàu bản sắc dân tộc. Còn chờ gì nữa mà không vào bếp và thử làm ngay món ăn độc đáo vừa dân dã lại vừa lạ miệng của các dân tộc miền núi phía Bắc. Chúc các bạn nấu thành công món ăn này cho gia đình của mình cùng thưởng thức nhé.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *