Loại củ này rất giống nhân sâm nhưng lại có độc, nhiều người không biết thậm chí còn đem chúng đi ngâm rượu uống.
Củ kịch độc “giả dạng” nhân sâm
Trong dân gian, có một loại củ mang hình dáng rất giống nhân sâm nhưng thực chất lại chứa độc. Người ta thường gọi loại củ này là thương lục, kim thất nương hoặc trưởng bất lão, tên khoa học là Phytolacca esculenta Van Hout.
Dù thương lục cũng được dùng làm dược liệu, song người dùng phải thật cẩn thận khi sử dụng.
Ở Việt Nam, chúng xuất hiện ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, ở độ cao 700 – 1600m. Ngoài ra, chúng còn mọc phổ biến ở nhiều nước như Pakistan, Ấn Độ, Nepan, Bhutan, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Lào…
Theo y học cổ truyền, thương lục vị đắng, tính hàn, có độc. Rất nhiều trường hợp đã phải cấp cứu, thậm chí tử vong sau khi nhầm thương lục với nhân sâm và tự ý sử dụng.
Điển hình như ở Trung Quốc, từng có một nhóm học sinh đào được củ thương lục khi đi cắm trại và cho rằng đó là nhân sâm. 6 người trong nhóm đã cắn thử một miếng và chỉ ít phút sau đã cảm thấy buồn nôn dữ dội, sau đó họ đã bị hôn mê suốt 17 tiếng.
May mắn thay, các bác sĩ đã đưa họ đi cấp cứu nhanh chóng để nôn thương lục ra. Nếu để chậm trễ, họ có thể sẽ tử vong vì ngộ độc khi cơ thể tích tụ quá nhiều độc tố.
Theo y học hiện đại, thương lục là một loại cây có độc tính cao ở tất cả các bộ phận, với chất độc chính được xác định là phytolaccatoxin. Khi cơ thể tiếp nhận một lượng lớn chất độc này, bạn có thể bị hôn mê, đau bụng, nôn mửa, khó thở, co giật, hạ huyết áp, tim đập nhanh và thậm chí có thể dẫn đến hôn mê.
Ở Việt Nam, thương lục là loài cây dễ trồng, mau lớn, hình dạng và mùi vị sau khi ngâm rượu rất giống mùi nhân sâm. Vì thế, nhiều người đã dùng thương lục để ngâm rượu uống mà hoàn toàn không biết những rủi ro nguy hiểm đang chực chờ.
Mẹo phân biệt nhân sâm và thương lục
Thực chất, có một mẹo nhỏ để phân biệt thương lục và nhân sâm. Khi bạn thấy củ nhìn có vẻ giống nhân sâm, hãy trực tiếp bẻ đôi nó ra. Nếu thấy chảy ra chất lỏng màu trắng thì đúng là nhân sâm. Còn nếu chất lỏng chảy ra có màu đỏ đậm thì đó là thương lục.
Vì sao nhiều người vẫn trồng thương lục?
Dù có độc nhưng trong y học cổ truyền, thương lục vẫn được coi là một loại dược liệu, có thể được sử dụng dưới dạng thuốc sắc uống hoặc thuốc đắp ngoài. Phần rễ của cây là bộ phận được sử dụng, thường được thu hoạch sau 6 – 7 tháng kể từ khi trồng.
Công dụng của thương lục khá đa dạng, từ lợi tiểu, hỗ trợ điều trị chứng phù nề, khó thở, đầy bụng, đại tiểu tiện không thông hoặc dùng để giảm sưng đau do mụn nhọt (đắp ngoài).
Ở Trung Quốc, người ta thậm chí còn sử dụng thương lục làm thực phẩm. Tuy nhiên chỉ có thể ăn khi lá và thân còn non. Trong trường hợp cây đã trưởng thành, chỉ cần bỏ những vùng màu tím đỏ trên thân và lá, giữ lại phần màu xanh thì cũng có thể ăn được. Vì vậy, một số người ở nông thôn Trung Quốc vẫn trồng loài cây này.
Nhìn chung, người Trung Quốc cho rằng thương lục không phải hoàn toàn không ăn được, nhưng bạn phải chú ý độ tươi của nguyên liệu khi ăn để tránh bị ngộ độc. Có người còn mở nhà hàng và để thương lục làm gia vị chủ đạo trong món ăn.
Ở đất nước tỉ dân, thương lục hiện có giá bán khoảng 21 NDT/kg, tương đương 73.000đ/kg. Còn ở Việt Nam, trên một số chợ mạng, rễ thương lục được bán với giá khoảng 160.000đ/kg.