Cô gái Việt chia sẻ cuộc sống du học… mở mắt thấy toàn màu xám

“Nếu ai đó nói rằng ra nước ngoài đem lại cho bạn một cuộc sống như mơ, cuộc sống màu hồng thì hoàn toàn không đúng đâu. Có những ngày mở mắt sẽ là toàn màu xám, có ngày ăn cơm không cần muối vì nước mắt đã đủ mặn”, 9x Việt chia sẻ.

Quỳnh Anh (SN 1990) từng làm nghiên cứu sinh tại Hungary và có cơ hội đặt chân đến nhiều nước trên thế giới, chia sẻ về những khó khăn khi ở nước ngoài.

Gần đây, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về đi du học sung sướng không, có muốn ở lại không, có định về Việt Nam không, từ những anh chị em, bạn bè, những người đang định cho con đi du học, những người muốn đi định cư nước ngoài, những bạn trẻ đang học ở Việt Nam… Trước những câu hỏi ấy, tôi luôn trả lời rằng: Không!

Tôi nói với họ rằng, ở Việt Nam vui hơn, sướng hơn rất nhiều. Ở Việt Nam cái gì cũng có, có bố có mẹ, có gia đình, có nhiều người yêu thương, có cùng tiếng nói, cùng cộng đồng. Tại sao cứ chê đất nước mình và nghĩ ở nước ngoài sung sướng, kiếm cách mà ở lại đó luôn? Hầu như những người nhận được câu trả lời này của mình đều bất ngờ.

18 tuổi, lần đầu tiên đi máy bay một mình, xa nhà với một chiếc vali chẳng có mấy đồ đạc sử dụng được cho cuộc sống sau này. Lúc ấy không hề chuẩn bị gì, từ tâm lý đến đồ đạc, trang thiết bị cá nhân.

Một ngày tháng 9 bố mẹ hỏi con đi du học không, và 1 tháng sau, ngày 26 tháng 10, chỉ bốn ngày sau ngày ông ngoại mất, một mình ra đi trong nỗi nhớ thương.

Trên chuyến bay ấy, tôi không hề khóc, không hề lo lắng, đơn giản vì có chuẩn bị chút tinh thần nào đâu mà lo. Chỉ duy nhất nỗi nhớ thương ông ngoại là tràn ngập, bao trùm mọi thứ.

25 tuổi, sau khi bay qua rất nhiều nơi, tôi rút kinh nghiệm và mang được những đồ cần thiết hơn cho hành trình du học tiếp theo. Tôi bắt đầu biết lo lắng hơn, sợ hãi hơn. Thầm nghĩ rằng có lẽ khi càng lớn, người ta càng lo sợ nhiều. Chuyến bay năm 25 tuổi cũng dài hơn mọi chuyến bay trước đây tôi từng có.

Tôi chưa bao giờ hối hận về việc ra nước ngoài học tập, dù có bị tổn thương rất nhiều. Ngay lúc này, bản thân cũng đang phải trải qua một quãng thời gian cực kỳ khó khăn nhưng sống xa gia đình dạy cho mình nhiều điều. Nhận ra rằng mình lớn khôn lên nhiều lắm.

Chuyện học hành

Chuyện quan trọng nhất, khó nhất, khiến tôi đổ nhiều mồ hôi, công sức, và cả nước mắt nhất.

Những ngày đầu lên trường, chẳng hiểu thầy cô đang nói gì. Đến khi hiểu được rồi, có lúc lại chạnh lòng tự nghĩ, mình đang làm gì ở nơi này nhỉ, tương lai mình sẽ trôi về đâu, mình nên tiếp tục học không hay dừng lại.

Có lúc trước kỳ thi, hay ngày phải gặp giáo sư, chỉ muốn trốn luôn, không xuất hiện nữa, mồ hôi chảy, chân tay run run, làm sao có thể qua được đây?

Chuyện tình yêu

Chuyện này hầu như ai cũng trải qua. Chính là thời kỳ nước mắt rơi như mưa như gió, nhiều khi không biết trời đang mưa hay do nước mắt ướt đẫm như nước mưa nữa.

Long distance relationship (Yêu xa), chênh lệch múi giờ, không đủ thấu hiểu và chia sẻ, chỉ có thể nghe bài “Chiếc khăn gió ấm” (bài hát huyền thoại 10 năm trước mà du học sinh nào cũng thuộc lòng).

Yêu người bản xứ, hoặc một người bạn ở nước ngoài thì sao? Lại một con đường chông gai khác, khi chẳng biết tương lai sẽ ra sao, tình yêu thế nào là đủ lớn, làm sao để bên nhau, đúng người sai thời điểm là thế nào.

Khủng khiếp là, khi bạn cô độc nơi xứ người, bạn mất đi người ở bên bạn, bạn chẳng còn tý động lực nào để tiếp tục sống ở nơi buồn chán đó, lúc đó lại nghĩ quẩn, không đâu bằng nhà mình, có bố mẹ bạn bè yêu thương, có chia tay cũng không đáng sợ.

Ở một mình, chia tay là một đáng sợ đến mức rùng mình, nhiều ngày trời bạn khóc như mưa, anh ấy cũng không đến, gia đình bạn bè không cưu mang được bạn, bạn có đủ vững tâm lý không?

Bệnh tật

Ở một mình, học hành vất vả, chia tay tình yêu đúng là đáng sợ. Nhưng cái đáng sợ nhất vẫn là bệnh tật.

Ốm nhẹ đã tủi thân, vậy mà hôm qua nghe tin có một bạn du học sinh Nga bị ung thư bạch cầu, giờ yếu đến mức bác sĩ không cho đi máy bay về Việt Nam. Bố mẹ đã về hưu, giờ buộc phải bán nhà sang chăm con.

Những người cha người mẹ ấy, cả đời chỉ biết làm lụng vất vả nuôi con. Hơn 60 tuổi lặn lội sang nơi xa xôi, học từng con chữ tiếng Nga, mong sao đồng hành cùng con, chăm con, cứu con. Bạn gái ấy chính thức bắt đầu đợt hóa trị ngày 21/5/2018 tại bệnh viện số 40, Mátxcơva. Khoảng thời gian điều trị dự kiến của bạn là 2 năm rưỡi, trong khoảng thời gian đó bạn sẽ phải trải qua các đợt hóa trị, xạ trị và cuối cùng sẽ thay tủy.

Chi phí cho một đợt hóa trị, xạ trị là khoảng hơn 200 ngàn rúp (75 triệu VNĐ), chi phí để thay tủy dự kiến gần 70 ngàn USD (1,5 tỷ VNĐ). Tổng phí chữa trị dự kiến cho bạn ấy trong vòng 2 năm rưỡi sẽ là 3 tỷ VNĐ. Bên cạnh đó, gia đình sẽ phải chi trả một khoản tiền lớn các thủ tục Visa, chi tiêu ăn ở của ba mẹ trong khoảng thời gian điều trị.

Vậy đấy, đi du học, cơ hội thì nhiều, nhưng khó khăn, đau khổ thật chẳng ít.

Vậy nên, nếu ai đó nói rằng ra nước ngoài sẽ đem lại cho bạn một cuộc sống như mơ, một cuộc sống màu hồng thì hoàn toàn không đúng đâu.

Có những ngày mở mắt sẽ là toàn một màu xám, có những ngày ăn cơm không cần muối, vì nước mắt đã đủ mặn, có những ngày chẳng biết sẽ đi đâu về đâu.

Ở nước ngoài sướng hay không? Tôi chỉ xin nói rằng, ở nước ngoài sẽ không trọn vẹn. Chẳng đâu bằng nhà mình, dù Việt Nam có ô nhiễm khói bụi, thực phẩm bẩn, đầy tệ nạn xã hội, nhưng luôn ấm lòng, chứ không phải là sự lạnh lùng cô đơn nơi xa xứ.

Cũng là ở Nội Bài, nhưng sao xúc cảm lại đối lập đến thế? Cái cảnh balo đeo trên vai, trong lòng ngập tràn lo lắng, nghĩ bụng “một hành trình dài không biết sẽ khi nào mới kết thúc…” với cái cảm giác đặt chân xuống sân bay Nội Bài, tự tin vươn vai, trong lòng vui sướng âm ỉ: “Về nhà thôi!”, thật khác.

Người Việt học giỏi tới mức “không thể lí giải được”: Thành tích sánh ngang các nước giàu

Người Việt Nam có khả năng học tập tốt hơn hẳn các quốc gia có nền kinh tế tương đương khác.

Trang Chương trình Nghiên cứu Cải thiện Hệ thống Giáo dục (RISE) tập trung vào nghiên cứu toàn cầu nhằm tìm hiểu cách hệ thống giáo dục ở các nước đang phát triển có thể vượt qua các vấn đề trong giáo dục. RISE nhận được tài trợ từ Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển của Vương quốc Anh (FCDO), từ Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) của Chính phủ Úc và từ Quỹ Bill & Melinda Gates của tỉ phú Mỹ Bill Gates.

Một bài viết trên trang này đã ghi nhận “điều kì lạ” trong khả năng học tập của học sinh Việt Nam, được đánh giá qua những bài kiểm tra tiêu chuẩn trên thế giới. Dưới đây là nội dung bài viết, được dựa trên dữ liệu từ năm 2012:

Thành tích giáo dục của Việt Nam

Về cơ bản, Việt Nam là quốc gia có thu nhập thấp duy nhất có kết quả kiểm tra tương đương với thành tích của các nước giàu trong các bài kiểm tra quốc tế. Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ “kì lạ”. Thành tích từ các bài kiểm tra cho thấy Việt Nam có kết quả tốt hơn rất nhiều so với kì vọng đối với một quốc gia ở mức thu nhập này.

Các quốc gia giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) như Anh và Mỹ có mức điểm trung bình trong bài kiểm tra PISA thấp hơn khoảng 100 điểm so với Thượng Hải (Trung Quốc) và Phần Lan.

Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) là một nghiên cứu trên toàn thế giới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại các quốc gia thành viên và không phải thành viên nhằm đánh giá các hệ thống giáo dục thông qua việc đánh giá kết quả học tập của học sinh 15 tuổi trong toán học, khoa học và đọc hiểu.

PISA lần đầu được tổ chức vào năm 2000 và sau đó lặp lại 3 năm 1 lần. Mục đích của nó là cung cấp dữ liệu có thể so sánh được với mục đích cho phép các quốc gia cải thiện chính sách và kết quả giáo dục. Bài kiểm tra có thể đo lường khả năng giải quyết vấn đề và nhận thức của học sinh.

 Người Việt học giỏi tới mức không thể lí giải được: Thành tích sánh ngang các nước giàu - Ảnh 1.

Trong bài kiểm tra toán của PISA, Việt Nam có kết quả tương đương Phần Lan và Thuỵ Sĩ dù GDP thấp hơn nhiều.

Việt Nam còn có kết quả cao hơn 100 điểm so với mức trung bình của các nước có thu nhập thấp.

Hiện tượng “lạ”

Nhưng không chỉ bài kiểm tra này cho thấy kết quả đặc biệt của Việt Nam. Một nghiên cứu khác của Abhijeet Singh đã tổng kết cuộc khảo sát của Oxford Young Lives với bài kiểm tra TIMMS quốc tế, và một lần nữa phát hiện kết quả kiểm tra của Việt Nam vượt trội hơn hẳn các quốc gia có thu nhập thấp khác.

Nghiên cứu của Singh cho thấy lợi thế của học sinh Việt Nam đã bắt đầu từ sớm. Trẻ em Việt Nam có kết quả tốt hơn một chút so với trẻ em ở các nước đang phát triển khác ngay cả trước khi chúng bắt đầu đi học tiểu học, nhưng sau đó khoảng cách liên tục tăng lên sau mỗi năm.

Nghiên cứu cho thấy một năm học tiểu học ở Việt Nam ‘hiệu quả’ hơn đáng kể so với một năm học ở Peru hoặc Ấn Độ.

 Người Việt học giỏi tới mức không thể lí giải được: Thành tích sánh ngang các nước giàu - Ảnh 2.

Kết quả bài kiểm tra TIMMS của học sinh Việt Nam cao vọt so với các quốc gia có mức thu nhập đầu người tương đương, thậm chí xấp xỉ so với các nước có thu nhập cao như Mỹ và Canada.

TIMSS (Xu hướng trong Học tập Khoa học và Toán học Quốc tế) là một phần trong chương trình nghiên cứu của IEA – Hiệp hội Đánh giá Thành tựu Giáo dục Quốc tế có trụ sở chính tại Amsterdam. Với một trung tâm nghiên cứu và xử lý dữ liệu lớn ở Hamburg, IEA đã tiến hành các nghiên cứu so sánh quốc tế về thành tích của học sinh thế giới từ năm 1959 tới nay.

Câu hỏi mà nghiên cứu này đặt ra – và kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy – là: “Tại sao ở một số quốc gia, kết quả học tập mỗi năm lại lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác? Hay nói một cách đơn giản hơn, tại sao trường học ở một số quốc gia lại tốt hơn nước khác rất nhiều?”.

Nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới Suhas D. Parandekar và Elisabeth K. Sedmik cho thấy rất khó để lí giải “hiện tượng Việt Nam”.

 Người Việt học giỏi tới mức không thể lí giải được: Thành tích sánh ngang các nước giàu - Ảnh 3.

Học sinh Việt Nam có kết quả học tập vượt trội so với các nước có mức thu nhập tương đương.

Bằng cách phân tích thống kê sử dụng các yếu tố đo lường có sẵn, nghiên cứu cho thấy rằng sự kết hợp giữa đầu tư có mục tiêu và “yếu tố văn hóa” giải thích được một phần nào đó trong khoảng cách lên tới 100 điểm giữa Việt Nam và các nước thu nhập thấp khác trong bài kiểm tra PISA.

Các yếu tố chính có thể nhắc tới bao gồm:

Chú trọng đầu tư giáo dục

– Học sinh có nhiều cơ hội được học ở trường mầm non hơn.

– Có nhiều đầu tư vào cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt là ở các thành phố và thị trấn nhỏ.

Các yếu tố văn hóa

– Học sinh học chăm chỉ hơn – ít nghỉ học hơn, dành thời gian tương đương hoặc nhiều hơn ở trường, cộng với thời gian học thêm đáng kể sau giờ học.

– Học sinh có kỷ luật và tập trung hơn vào việc học. Hiệu trưởng và phụ huynh theo sát hoạt động giáo dục của các giáo viên.

– Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng thông qua việc tích cực tham gia vào việc học của con cái, theo sát giáo viên của các con và đóng góp của họ ở trường.

Tuy nhiên, tất cả những lí giải này mới chỉ giải thích được một phần của “hiện tượng học giỏi ở Việt Nam”. Một nửa câu trả lời còn lại vẫn là một bí ẩn và chúng tôi hy vọng nhóm nghiên cứu của RISE Việt Nam có thể giúp làm sáng tỏ, thậm chí có thể cung cấp một số bài học hữu ích cho các quốc gia có thu nhập thấp khác.

Hội anh chị em học giỏi của sao Việt: Em họ siêu mẫu Hà Anh tốt nghiệp Đại học Cambridge, 1 sao nữ còn có anh là THẦN ĐỒNG

Theo Tất Đạt

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *