Ai tiếp tay cho gần 600 loại sữa giả tung hoành? Cuối cùng mọi chuyện cũng dần được lôi ra ánh sáng

Ai tiếp tay cho gần 600 loại sữa giả tung hoành? Cuối cùng mọi chuyện cũng dần được lôi ra ánh sáng

Từ việc Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả đưa ra thị trường, một câu hỏi lớn được dư luận đặt ra: Tại sao sữa giả có thể tung hoành trên thị trường suốt bốn năm không ai kiểm soát chất lượng?

sữa giả - Ảnh 1.

Công an và lực lượng chức năng “đột kích” cơ sở sản xuất sữa giả – Ảnh: CABD
Ai là người tiếp tay đưa sữa giả đến tay người tiêu dùng?

Câu trả lời dần hé lộ trước thông tin mà đại tá Nguyễn Minh Tuấn – phó chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) – cung cấp, đó là các nghi phạm sử dụng thủ đoạn lợi dụng quy định trong quản lý về sản xuất kinh doanh thực phẩm cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm; tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Song việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành.Đặc biệt để sản phẩm “bay cao, bay xa”, các nghi phạm đã thuê các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trên mạng để quảng cáo, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Việc bán hàng được thực hiện với các thông tin sai sự thật, thổi phồng, phóng đại tính năng, tác dụng, chất lượng sản phẩm để bán được số lượng hàng rất lớn.

Sữa giả đạt “tiêu chuẩn quốc tế”

Theo tư liệu, từ tháng 8-2021 đến nay Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất kinh doanh sữa bột. Chủ các công ty này còn góp vốn với nhiều người lập thêm “hệ sinh thái” gồm chín công ty con để sản xuất, phân phối sữa bột giả. Theo lời khai, thực tế việc kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất của sữa gần như không có.

Đến nay các công ty đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, thu lợi bất chính 500 tỉ đồng. Trong đó các loại sữa làm giả gồm cả sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Các sản phẩm này được quảng cáo là “đạt chuẩn chất lượng quốc tế” và được phân phối rộng rãi tại nhiều địa phương trên toàn quốc.Điều đáng nói một số sản phẩm sữa bột của các công ty này còn được người nổi tiếng quảng cáo và chuyên gia đánh giá chất lượng. Điển hình dòng sữa Cilonmum Colos IQ Grow 24h của Công ty cổ phần dược quốc tế Group (một trong chín công ty trong “hệ sinh thái”) được diễn viên Doãn Quốc Đam quảng cáo. “Công nghệ sản phẩm của Cilonmum vượt trội hơn, quy trình sản xuất tiên tiến hơn và được áp dụng phát minh mới nhất về công nghệ, khoa học. Sữa đạt chứng nhận FDA của USA về tiêu chuẩn sản xuất an toàn”, diễn viên này quảng cáo.Quảng cáo cho loại sữa này còn có MC Hoàng Linh. Trong video quảng cáo MC này giới thiệu cho người xem hơn bảy loại sữa Cilonmum, dành cho trẻ ở mọi độ tuổi, các bà mẹ mang thai, dự định mang thai, người già. Rằng sữa có tác dụng tăng cường sức đề kháng, phát triển trí não, thoái hóa khớp, người ốm dậy… Tất cả những sản phẩm này đều chịu trách nhiệm sản xuất và phân phối sản phẩm của Công ty cổ phần dược quốc tế Group. Đến sáng 14-4, các website quảng cáo cho sản phẩm này đều không thể truy cập được.

Chuyên gia cũng chỉ dựa vào thành phần để… phán

Ngoài các diễn viên, MC nổi tiếng còn xuất hiện thêm nhiều chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực y tế. Trong một clip quảng cáo sữa bột Bold Milk Glu Sure Colostrum kéo dài hơn 15 phút khác của Công ty Group phân phối do chính bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên giám đốc Trung tâm dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), quảng cáo.

“Nguồn nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu 100% từ New Zealand, Hà Lan. Sản phẩm sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tiên tiến, khép kín, đạt chứng nhận FDA của Hoa Kỳ. Tiêu chuẩn sản xuất sữa an toàn đạt chứng chỉ ISO và những chứng chỉ vệ sinh an toàn của Bộ Y tế và được cấp phép bởi Bộ Y tế”, bà Hải nói.

Dưới video ghi rõ “Bold Milk là dòng sản phẩm sữa y tế được các bác sĩ tin dùng và được sử dụng tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện 108, Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và hệ thống 30 bệnh viện lớn khác trên toàn quốc”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-4, bà Lê Thị Hải thừa nhận bà từng hợp tác, tư vấn giới thiệu một số hãng sữa. Tuy nhiên bà khẳng định chưa từng làm việc trực tiếp với hãng sữa và không “quảng cáo” về các sản phẩm sữa mà chỉ cung cấp giá trị, thành phần dinh dưỡng của các loại sữa, phân tích ưu nhược điểm để người tiêu dùng lựa chọn.Theo bà Hải, các bác sĩ là người làm chuyên môn, chỉ có thể dựa trên các thành phần dinh dưỡng đã được công bố để đưa ra tư vấn phù hợp. Các thành phần này tốt, thành phần này bổ sung gì, chứ không thể mang sản phẩm đi kiểm nghiệm để xác định – đây là việc của cơ quan chức năng. Niềm tin của các bác sĩ để giới thiệu sản phẩm là do các sản phẩm này đều đã được cấp phép.

“Tuy nhiên sau vụ việc lần này bản thân tôi cũng rút kinh nghiệm trong việc chia sẻ các sản phẩm dinh dưỡng. Các sản phẩm phải thực sự tốt cho người tiêu dùng, mang lại lợi ích và được cơ quan chức năng trong và ngoài nước công nhận. Bên cạnh đó tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần quản lý tốt các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”, bà Hải nói.Chị Đ.P. (38 tuổi, Lâm Đồng) cho hay khá bất ngờ và hoang mang trước thông tin gần 600 loại sữa giả được triệt phá. Bản thân gia đình chị thường xuyên dùng loại sữa Sure IQ Pedia Plus của Công ty cổ phần dược quốc tế Group phân phối cho hai con nhỏ từ nhiều năm nay. “Tôi và rất nhiều bạn bè thường xuyên sử dụng loại sữa này vì được quảng cáo khá rầm rộ. Nhìn nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác ghi đầy đủ thông tin, đặc biệt lại sản xuất trong nước nên rất tin tưởng. Hầu hết các cửa hàng tạp hóa nhỏ, lẻ hay một số hệ thống sữa đều có bán, tiếp cận người dùng cũng dễ”, chị P. nói.

sữa giả - Ảnh 2.
Một số người nổi tiếng, chuyên gia y tế quảng cáo các loại sữa được sản xuất và phân phối do Công ty cổ phần dược quốc tế Group (một trong chín công ty con trong hệ sinh thái) vừa bị Bộ Công an triệt phá – Ảnh: chụp màn hình

Ai chịu trách nhiệm hậu kiểm?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Diệp Năng Bình cho hay theo quy định hiện nay các mặt hàng sữa chế biến, trong đó có sữa dạng bột do Bộ Công Thương quản lý. Không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý.

Theo nghị định số 15/2018, Bộ Công Thương quản lý và phân cấp quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các sản phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm này.

Theo các quy định hiện hành, trách nhiệm trong hoạt động hậu kiểm đối với việc cấp phép sản xuất và buôn bán sữa bột thuộc về ngành công thương. Trong đó nếu cơ sở sản xuất có công suất thiết kế lớn (sữa chế biến từ 20 triệu lít sản phẩm/năm trở lên; bột và tinh bột từ 100.000 tấn sản phẩm/năm trở lên) sẽ do cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương thực hiện công tác hậu kiểm.

Còn nếu có công suất thiết kế nhỏ hơn sẽ do sở công thương các tỉnh, TP phân công thực hiện hậu kiểm. Đối với các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng do Bộ Y tế quản lý sẽ do cơ quan thanh tra thuộc Bộ Y tế hoặc sở y tế các tỉnh, TP thực hiện hậu kiểm.Theo ông Bình, vấn đề lỗ hổng trong việc quản lý các mặt hàng này hiện nay là do theo quy định tại nghị định 15/2018, sữa dạng bột được xếp tại danh mục thực phẩm nên quy trình sản xuất và đưa ra thị trường kinh doanh của các sản phẩm sữa hiện nay được tự công bố sản phẩm. Nghĩa là ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

“Có thể thấy điều kiện để sản xuất kinh doanh sữa đưa ra thị trường hiện nay đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của họ. Tuy nhiên việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng xuất hiện mặt trái là một số đơn vị không công bố chất lượng sản phẩm. Thậm chí sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường, trong khi nhãn hàng có nhiều loại khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác kiểm soát” – ông Bình phân tích.

Theo ông, hiện có nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó có sản phẩm sữa, được một số doanh nghiệp thuê đơn vị sản xuất, tự công bố sản phẩm và bán trên các gian hàng thương mại điện tử. Chính vì vậy việc hậu kiểm của các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. “Bởi để kiểm tra được sữa giả, sữa kém chất lượng thì phải lấy được mẫu kiểm nghiệm và tốn kém chi phí kiểm định”, luật sư Bình nhận định.

Cơ chế thông thoáng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro

Thực tế cho thấy nghị định 15 sau bảy năm thực hiện đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong việc quản lý sản phẩm tự công bố. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng quốc gia – bày tỏ quan ngại khi quá nhiều sản phẩm sữa, thực phẩm bổ sung tràn lan trên thị trường mà không được kiểm định chất lượng. Thực tế đã có nhiều trường hợp nhập viện, thậm chí nguy cơ tử vong, tổn hại sức khỏe… sau khi sử dụng các loại sản phẩm gắn mác “thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng”, đặc biệt trong các sản phẩm giảm cân, xương khớp.

Những sản phẩm tự công bố được cơ quan chức năng cấp phép đưa ra thị trường khi chưa có sự kiểm tra chất lượng cũng khiến chính các bác sĩ, là người có chuyên môn y tế, khó có thể xác định được sản phẩm có chất lượng để tư vấn cho người bệnh. “Chúng ta cần siết chặt quản lý, tăng cường hậu kiểm để những sản phẩm kém chất lượng không còn chỗ đứng trên thị trường. Vụ việc sữa giả lần này là bài học cho những nhà sản xuất không trung thực, vụ lợi trên sức khỏe của người dân”, bác sĩ Hưng nói.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, nghị định 15 triển khai theo cơ chế tương đối thông thoáng, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thủ tục cũng chuyển dần từ đăng ký sản phẩm sang tự công bố sản phẩm. Mặc dù vậy công tác hậu kiểm vẫn được duy trì, Bộ Y tế thừa nhận công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế.

Thực tế với hàng ngàn thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường nhưng công tác hậu kiểm còn hạn chế, đồng nghĩa còn rất nhiều sản phẩm đang được lưu thông nhưng chưa được kiểm soát về chất lượng, người tiêu dùng cũng có thể gặp rủi ro khi sử dụng sản phẩm bất cứ lúc nào.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân một phần do thiếu nhân lực, trang thiết bị cần thiết, thiếu kinh phí… nhất là trong bối cảnh sản phẩm tự công bố ngày càng lớn và phong phú. Chỉ tính riêng TP.HCM có gần 200.000 sản phẩm tự công bố.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay đơn vị này đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi nghị định 15 theo hướng tăng cường kiểm soát các sản phẩm tự công bố, bổ sung một số thuyết minh trong hồ sơ tự công bố và tăng xử lý vi phạm, hậu kiểm đối với các sản phẩm này.

Bộ Công Thương nói gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Linh – cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – khẳng định Bộ Công Thương không thực hiện việc cấp phép và quản lý các sản phẩm do Công ty cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group đang sản xuất, kinh doanh.Theo ông, đây là các doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương. Do vậy bộ không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa của hai doanh nghiệp này. Bộ chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trả lời câu hỏi vì sao sản phẩm lưu hành trên thị trường bốn năm nhưng không phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, ông Linh cho biết trước hết là do doanh nghiệp thực hiện các thủ tục, giấy tờ kinh doanh đầy đủ đúng quy định pháp luật hiện hành để che đậy các vi phạm của sản phẩm mà chỉ có thể phát hiện khi đem đi kiểm nghiệm. Trong khi đó sản phẩm chưa có phản ảnh vi phạm từ người tiêu dùng để có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.

Thêm nữa, các doanh nghiệp này chọn kinh doanh sản phẩm này không phân phối thông qua hệ thống siêu thị, đại lý chính thức hoặc chuỗi bán lẻ có kiểm soát; chủ yếu được tiêu thụ bằng hình thức tiếp thị và trực tiếp bán tới tay người tiêu dùng thông qua việc trà trộn, trá hình vào các hội thảo chuyên ngành, các bệnh viện, phòng khám.

“Thậm chí những doanh nghiệp này còn thuê một số người nổi tiếng để quảng cáo và bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua các kênh mạng xã hội như YouTube, Facebook, Zalo nhằm né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng” – ông Linh nói.

Từ vụ việc nêu trên, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định đang rà soát, đánh giá toàn diện công tác quản lý lưu thông hàng hóa với mặt hàng sữa, tập trung vào việc nhận diện các lỗ hổng sau khâu phân phối, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, tăng cường tính hiệu lực – hiệu quả trong kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại, quảng cáo sai sự thật và vi phạm an toàn thực phẩm.Ai tiếp tay cho gần 600 loại sữa giả tung hoành? - Ảnh 3.

Mô tả chiêu trò của đường dây sản xuất, phân phối sữa giả vừa bị công an phát hiện, bóc gỡ

Bệnh viện “nói không” với tiếp thị sữa

Đại diện Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cho biết những năm gần đây bệnh viện đã ngừng cho tiếp thị sữa trong bệnh viện. Còn tại Bệnh viện Hùng Vương, giám đốc bệnh viện này đã trực tiếp ban hành văn bản quy định về việc tiếp thị thay thế sữa mẹ trong bệnh viện.

Theo đó nghiêm cấm nhân viên y tế không được phép hướng dẫn cho trẻ dưới 6 tháng tuổi sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt không được tạo điều kiện cho nhân viên bán sữa tiếp xúc trực tiếp với bà mẹ, phụ nữ mang thai hoặc thân nhân sản phụ tại bệnh viện.

đời sống

 

 

  • Nhận đường liên kết
  • Facebook
  • X
  • Pinterest
  • Email
  • Ứng dụng khác

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *