Tôi từng nằm khóc cả đêm vì bị vợ thu hết thẻ ngân hàng và tiền lương hàng tháng.
Tôi họ Zhang, năm nay 36 tuổi, đã kết hôn được 3 năm. Vợ tôi làm giáo viên tiểu học, còn tôi đang làm quản lý cấp trung của một công ty tại Hà Nam, Trung Quốc.
Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi vẫn đang trả góp tiền mua nhà, hàng tháng trung bình sẽ phải bỏ ra khoảng 8000 NDT (khoảng 27 triệu đồng) tiền gốc lẫn lãi ngân hàng.
Thông thường vợ chồng tôi dùng khoản tiền lương cố định của vợ để trả lãi ngân hàng. Lương của tôi 12.000 NDT (khoảng 40 triệu đồng) sẽ đưa cho vợ 2/3 để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Số tiền còn lại tôi sẽ chi tiêu cá nhân và gần như là không có tiền tiết kiệm.
Ban đầu tôi cho rằng mọi thứ vẫn ổn, tuy nhiên những chuyện sau đó lại khiến tôi phải hối hận.
Bất lực vì thu nhập giảm, tôi phải “cầm cự” bằng thẻ tín dụng
Mọi thứ vốn bình yên thì làn sóng covid ập đến, kinh tế đình trệ. Dù sau đó covid đã qua đi nhưng kinh tế vẫn hồi phục rất chậm. Làn sóng thất nghiệp bắt đầu bùng lên, nhiều công ty phải cắt giảm lương, thậm chí cắt giảm nhân sự để cố gắng duy trì.
Thu nhập của tôi cũng vì vậy mà bị giảm đi 1 nửa chỉ còn 6000 NDT (Khoảng 20 triệu đồng), thậm chí còn thấp hơn cả lương vợ tôi.
Trong 3 tháng liên tiếp tôi phải dùng tiền trong thẻ tín dụng để “cầm cự”, tuy nhiên tình hình vẫn không khởi sắc. Dần dần tôi rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, thậm chí “nợ xấu” tín dụng vì không chi trả được.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền, trả lãi ngân hàng, nỗi lo về chi phí chăm con nhỏ, cùng những khoản nợ xấu khiến tôi cảm thấy vô cùng áp lực. Có những ngày làm việc mệt mỏi, tôi không dám về nhà đối diện với vợ con, tôi nói dối bản thân phải tăng ca và ở lì công ty không về nhà. Cảm giác không đủ năng lực chăm sóc vợ con, áp lực tiền bạc khiến tôi cảm thấy mình bất tài. Lần đầu tiên tôi thấy mình tuyệt vọng đến như vậy. Tuy nhiên điều càng khiến tôi buồn bã hơn cả là quyết định của vợ tôi.
Ảnh minh họa
Vợ bắt nộp hết thẻ ngân hàng và tiền lương hàng tháng, tôi nằm khóc cả đêm vì bất lực và tự ái
Ngày hôm đó, vợ tôi nghiêm túc nói rằng có chuyện muốn bàn bạc với tôi. Chưa bao giờ tôi thấy vợ tôi nghiêm túc như vậy nên đã sắp xếp công việc và về nhà sớm. Sau khi ăn cơm xong, vợ tôi nói rằng: “Anh đưa toàn bộ thẻ ngân hàng và tiền lương hàng tháng cho em nhé”.
Nghe vợ nói vậy tôi vô cùng tự ái và nổi đóa lên với vợ. Tôi cho rằng cô ấy kiểm soát tự do của tôi, thậm chí còn thấy có chút khó chịu vì “nếu đưa tiền cho vợ thì mỗi lần đi đâu lại phải ngửa tay xin”.
Trước cơn nóng giận của tôi, vợ vẫn rất bình tĩnh và thuyết phục tôi rằng: “Em biết giờ kinh tế chúng ta đang khó khăn, em chỉ đang muốn sắp xếp lại các khoản chi tiêu một chút thôi. Anh cho em 3 tháng thử sắp xếp nhé”.
Sau một hồi nghe vợ thuyết phục tôi đành bỏ cái tôi mà đồng ý đưa toàn bộ tiền lương cùng các loại thẻ ngân hàng cho vợ. Đêm đó tôi nằm khóc cả đêm vì tự ái nhưng bản thân quả thực đã làm hết cách.
Vợ bắt nộp hết thẻ ngân hàng và tiền lương hàng tháng, tôi nằm khóc cả đêm vì bất lực. Ảnh minh họa
Những ngày sau đó tôi vẫn cảm thấy rất khó chịu về việc trên người không có tiền. Nhiều ngày liền bạn bè rủ đi ăn nhậu, tôi đều ngậm ngùi từ chối khéo vì vợ đã cầm hết tiền rồi. Tuy nhiên, thời gian sau tôi lại cảm thấy cách làm của vợ rất ổn.
Vì trước đây thu nhập cao, việc đi ăn nhậu vài bữa với bạn bè là bình thường. Tuy nhiên, khi lương giảm, tôi vẫn giữ thói quen chi tiêu như cũ, thậm chí ngại từ chối. Hơn nữa vẫn có sẵn tiền trong túi nên tôi vẫn cứ “nhận kèo” đi ăn như thường.
Chính vì tự trọng cao, không muốn bạn bè biết mình khó khăn, cố “giả vờ” chi tiêu như lúc lương còn cao nên tôi phải tiêu vào thẻ tín dụng. Sau khi vợ cầm lương, tôi dần phải chấp nhận sự thật bản thân mình không còn mức thu nhập trước đây. Giữ tự trọng cũng không mài ra ăn được, vợ con thậm chí đói khổ theo mình. Chính những suy nghĩ này khiến tôi thay đổi cách chi tiêu tiết kiệm và hợp lý hơn.
Về phần vợ tôi, sau khi cầm hết lương và thẻ ngân hàng của tôi, vợ tôi lập bảng thống kê chi tiêu các khoản rất rõ ràng. Hai vợ chồng cũng chịu khó nấu ăn ở nhà rồi mang đi làm, như vậy là tiết kiệm được một khoản tiền ăn ở quán mỗi trưa. Vợ tôi chi tiêu rất cẩn trọng, nhưng không hề ki bo mà luôn biết khoản nào nên chi, khoản nào không.
Ảnh minh họa
Nhờ vậy mà sau 3 tháng, tôi hết nợ xấu tín dụng, cũng thoát khỏi nỗi ám ảnh về tiền bạc, cuộc sống hai vợ chồng đã ổn lại, tất nhiên là với một quỹ đạo khác trước đây.
Tôi khi đó đã rất biết ơn vợ mình, nếu không có cô ấy có lẽ tôi sẽ rơi vào trầm cảm vì quá áp lực và tự ti. Vào ngày kỉ niệm ngày cưới, tôi âm thầm tổ chức một buổi hẹn hò lãng mạn rồi nói đùa rằng: “Cảm ơn em đã cứu mạng anh, chứ ngày đó anh suýt trầm cảm rồi đấy”.
Hiện tại đã một năm qua đi, giai đoạn khó khăn cũng đã vượt qua, mức lương của tôi cũng đã được khôi phục như trước. Tuy nhiên, tôi đã có cách quản lý khác về chi tiêu của mình. Lương hàng tháng tôi vẫn đưa hết cho vợ quản lý, chúng tôi vẫn dùng lương của vợ để trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên khoản lương của tôi thì vợ sẽ sắp xếp để chi tiêu tiền ăn phù hợp hơn và vẫn để ra được 2000 NDT (khoảng 7 triệu đồng) tiền tiết kiệm phòng trường hợp xấu.