Một thời gian sau khi vợ báo tin có thai, Harry Ashby, một nhân viên bảo vệ 29 tuổi, có triệu chứng nôn nao, thèm ăn như ốm nghén, bụng và ngực anh cũng phát triển. Anh xin nghỉ làm vì cảm giác mệt mỏi, nặng nề kéo dài.
Các chuyên gia cho biết anh mắc hội chứng Couvade – “mang thai đồng cảm”. Nam giới mắc hội chứng này thường có hàng loạt biểu hiện về thể chất và tâm lý liên quan đến thai kỳ giống vợ hay người yêu đang mang thai, như đau bụng, đầy hơi, đau lưng, cáu gắt, ốm nghén, đau răng, thậm chí “mang thai giả”. Các triệu chứng này đã được xác nhận trong nghiên cứu do Bệnh viện St George, công bố trên Thư viện Thông tin mở, năm 2007.
Các vấn đề tâm lý phổ biến nhất là trầm cảm trước sinh, thay đổi tâm trạng, ốm nghén buổi sáng, thức dậy quá sớm, lo lắng, kém tập trung, suy giảm trí nhớ. Nhìn chung, các triệu chứng này biểu thị sự đồng cảm với bạn đời đang mang thai và đứa con chưa chào đời của người đàn ông.
Các triệu chứng của hội chứng Couvade xuất hiện theo trình tự thời gian, bắt đầu trong ba tháng đầu thai kỳ, tạm thời biến mất sau đó và xuất hiện trở lại, đôi khi trầm trọng hơn trong ba tháng cuối. Chúng thậm chí có thể kéo dài đến giai đoạn sau khi em bé đã ra đời.
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phát triển hội chứng Couvade có khả năng gắn liền với văn hóa. Hội chứng chủ yếu xảy ra ở các nước phát triển. Tỷ lệ mắc bệnh tại Mỹ là 25% đến 53% đối với nam giới đang có vợ hoặc người yêu mang thai. Ở Thụy Điển, tỷ lệ này là 20% và Thái Lan là 61%. Các triệu chứng trải dài từ nhẹ đến nặng, từ tinh thần đến thể chất. Tỷ lệ mắc bệnh ở Anh chưa rõ ràng, song ước tính trong năm 1970, nước này có khoảng 11% đến 50% nam giới bị Couvade.
Nghiên cứu năm 1994 cho thấy ở các cặp vợ chồng hiếm muộn, người đàn ông dễ mắc hội chứng Couvade hơn.
Nhiều người đàn ông bị tăng cân, nôn nao khi vợ mang thai. Ảnh: iStock
Các chuyên gia đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến hội chứng mang thai đồng cảm. Họ nhận định hội chứng có thể bắt nguồn tâm lý, tình cảm gắn bó với bạn đời, người và đứa trẻ chưa sinh ra hoặc những ảnh hưởng của nội tiết tố.
Lý thuyết phân tâm học cho rằng hội chứng phát triển từ sự ghen tị của người đàn ông với khả năng sinh sản của phụ nữ. Theo lý thuyết, đối với người đàn ông, phụ nữ mang thai đóng vai trò như chất xúc tác của mâu thuẫn và sự trỗi dậy của phức cảm Oedipus.
Phức cảm Oedipus là thuật ngữ được Sigmund Freud sử dụng trong học thuyết các giai phát triển tâm lý tính dục, mô tả cảm giác khao khát của đứa trẻ dành cho người cha, mẹ khác giới, sự ghen tị dành cho người cha mẹ cùng giới. Về cơ bản, bé trai sẽ vô thức cảm thấy mình cần chiến đấu với cha để có được sự quan tâm của mẹ và ngược lại. Phức cảm Oedipus ở nam giới có thể khiến người đàn ông nhớ lại cảm xúc thời thơ ấu, gợi cảm giác mâu thuẫn và đố kỵ.
Lý thuyết về tâm lý xã hội cho rằng nam giới có thể bị gạt ra ngoài lề trong thời kỳ mang thai và sinh nở của người phụ nữ, đặc biệt đối với các cặp đôi có con đầu lòng. Thực tế này khiến đàn ông nhìn nhận bản thân ở vai trò phụ trợ, cảm thấy không quan trọng. Để giải quyết tình trạng đó, nhiều người vô tình chuyển sự chú ý từ phụ nữ sang mình thông qua biểu hiện hội chứng Couvade. Điều này đã được chứng minh trong nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Khoa học SAGE năm 2000.
Hội chứng Couvade dường như có ảnh hưởng từ hormone, tuy nhiên ít nghiên cứu chứng minh được điều này. Nghiên cứu công bố năm 2001 chỉ ra rằng nồng độ hormone prolactin và estrogen gia tăng đáng kể ở nam giới trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba của thai kỳ. Mức độ testosterone và hormone gây căng thẳng cortisol thấp hơn. Những thay đổi về nội tiết tố này có liên quan đến hành vi và cảm giác ở người cha, gây ra triệu chứng mệt mỏi, thay đổi khẩu vị và tăng cân.