Kiếm 7 tỷ đồng mỗi tháng nhờ bán chuối xanh “chữa lành”.
Trào lưu cắm cả buồng chuối tại bàn làm việc trở nên phổ biến trong giới nhân viên văn phòng trẻ ở Trung Quốc khi họ cảm thấy áp lực ngày một gia tăng. Điều này trở thành cơ hội kinh doanh của Lin.
Nhiều người trẻ Trung Quốc đã mua những buồng chuối còn xanh, cắm trong bình nước và chờ chín với mong muốn xua tan căng thẳng, mệt mỏi. (Nguồn: News.china)
ZaloFacebookTwitterBản inCopy link
Kiệt sức với công việc, một nhân viên công nghệ ở Trung Quốc đã quyết định nghỉ làm và bắt đầu kinh doanh trái cây trên các sàn thương mại điện tử.
Giờ đây, người đàn ông 32 tuổi đã kiếm được 2 triệu nhân dân tệ (7 tỷ đồng) mỗi tháng nhờ bán chuối xanh.
Thành công của Lin là kết quả của việc biến xu hướng “chữa lành” trên mạng xã hội thành cơ hội kinh doanh.
Trào lưu cắm cả buồng chuối tại bàn làm việc đang trở nên phổ biến trong giới nhân viên văn phòng trẻ ở Trung Quốc khi họ cảm thấy áp lực ngày một gia tăng.
Những người cắm loại trái cây này mô tả quá trình từ chuối xanh chuyển sang chuối chín là quá trình “ngừng lo lắng.”Trong tiếng Trung Quốc có cụm từ “ting zhi jiao lu,” nghĩa là ngừng lo âu. Nhưng khi phát âm, cụm “ting zhi jiao lu” nghe tương tự như “chấm dứt màu xanh của chuối.”
Do vậy nhiều người trẻ đã mua những buồng chuối còn xanh, cắm trong bình nước và chờ chín với mong muốn xua tan căng thẳng, mệt mỏi.
Thành công của Lin là kết quả của việc biến xu hướng “chữa lành” trên mạng xã hội thành cơ hội kinh doanh. (Nguồn: The Time of India)
Mọi người thường mua những buồng chuối khi những quả chuối vẫn còn xanh, sau đó đặt vào trong bình nước. Sau khoảng một tuần thì có thể ăn được. Quá trình chờ chuối chín được coi là một thú vui giúp giải tỏa căng thẳng trong công việc.
“Từ màu xanh tươi tốt đến màu vàng vàng, mọi khoảnh khắc đều tràn ngập hy vọng và bất ngờ vô tận,” một người viết trên mạng.Đó là một quá trình mọi người cảm thấy bình yên so với sự hối hả và nhộn nhịp của nhiều nơi làm việc.
Ý tưởng kinh doanh này đến với Lin trong một buổi livestream bán trái cây khi một số khách hàng nhất quyết mua chuối còn xanh và nguyên cuống.
Ban đầu, Lin cảm thấy bối rối không biết tại sao lại có người mua chuối theo cách này. Sau đó, anh rất ngạc nhiên trước những phản hồi tích cực từ lô bán thử đầu tiên.
Vào tháng Ba, Lin hợp tác với Tao Factory của Alibaba. Các chuyên gia tiếp thị của công ty này gợi ý anh nên tập trung vào chiến lược tiếp thị “ngừng lo lắng.”
Với sự giúp đỡ của họ, Lin đã cung cấp cho người mua những chiếc bình để dễ cắm chuối, cùng với những tấm thiệp nhỏ có ghi thông điệp động viên như “đừng lo âu.”
Anh cũng nâng cấp bao bì để thêm các khẩu hiệu như “thoát khỏi nỗi lo lắng” và “ngăn chặn muộn phiền.”
(Nguồn: Xiaohongshu)
Trước những thay đổi, ban đầu chỉ có vài nghìn đơn hàng được đặt mỗi ngày. Giờ đây, doanh số bán hàng đã tăng vọt lên 15.000 đơn đặt hàng, tương đương khoảng 50.000kg chuối được bán ra mỗi ngày.
Hua Dawei, đối tác kinh doanh của Lin, cho biết: “Cuối cùng chúng tôi nhận ra rằng mình không chỉ bán chuối mà còn bán giá trị tinh thần.”
Lin cho biết: “Người tiêu dùng trẻ ngày nay coi trọng sự thú vị và tính thẩm mỹ.”
Những người tiêu dùng mua chuối “ngừng lo lắng” cho biết việc trồng chúng là một quá trình thiền định, yên bình giúp họ cải thiện sức khỏe tinh thần.Đôi khi, người ta viết tên đồng nghiệp của mình lên vỏ chuối để “đánh dấu chủ quyền” trước khi tặng chúng cho người nhận. Điều này còn giúp cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp.
Chuối xanh được thu mua tại vườn với giá từ 3 đến 4 nhân dân tệ (10.000-14.000 đồng) một kg và được bán với giá 33 nhân dân tệ (115.000 đồng) cho một buồng 4kg bao gồm 35-40 quả chuối.
Lin nói với National Business Daily rằng xu hướng chuối “ngừng lo lắng” đã giúp nhiều nông dân tăng thu nhập. Trước đây, họ thường bán chuối xanh với giá chỉ bằng một nửa, đôi khi thua lỗ.
Lin nói đùa rằng dù kinh doanh theo trào lưu chữa lành “ngừng lo lắng” nhưng chính anh ấy mới là người cảm thấy lo lắng vì nhu cầu quá lớn. Anh cho biết lúc bận rộn nhất, anh chỉ nghỉ ngơi 5 tiếng mỗi ngày.
Ngoài chuối, Lin còn bán cả dứa “chữa lành” với tên gọi là “Hey! Pineapple” hay “hei feng li,” với ý nghĩa “Tôi thích bạn.” Anh cũng lên kế hoạch tiếp thị sản phẩm chanh leo.