Dù còn bé xíu hay đã lớn, dù có người lớn bên cạnh hay không, ngoại trừ việc đến lớp thì về nhà, đi đâu chơi, nhiều đứa trẻ hiện nay đều phải có smartphone làm bạn…
Trong thời đại công nghệ 4.0, nhiều cha mẹ cho trẻ dùng điện thoại khi còn quá sớm. Ngay từ khi đứa trẻ còn ẵm ngửa trên tay, không thiếu cha mẹ giơ điện thoại ra chụp ảnh cùng con, cho con xem video này clip nọ như một cách để con giải trí.
Lớn hơn một chút, khi con đang trong tuổi học ăn, học nhai, nhiều người cũng chiều con mở màn hình ti vi hay điện thoại với các chương trình nhảy múa với mong muốn con ăn được nhanh hơn.
Lớn hơn nữa, khi con đến tuổi cắp sách đến trường, cha mẹ vẫn có một chiêu cũ rích: đưa điện thoại cho con giải trí những lúc không phải đến trường, những lúc mình đang bận rộn…
Cứ như thế, đứa trẻ của chúng ta đang lớn lên trong thời đại không thể thiếu một chiếc smartphone. Dù còn bé xíu hay đã lớn, dù có người lớn bên cạnh hay không, ngoại trừ việc đến lớp thì về nhà, đi đâu chơi, trẻ đều phải có smartphone làm bạn. Lạm dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi, bạn có biết, con có nguy cơ trầm cảm vô cùng cao?
Trẻ dùng điện thoại quá nhiều dễ bị rối loạn tâm lý
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều rất dễ bị rối loạn tâm lý. Trẻ dễ nhầm lẫn giữa cuộc sống thực và ảo. Thậm chí có nguy cơ bản năng thay thế cho ý thức.
Đây là một trong những biểu hiện của bệnh tâm thần rất thường gặp do trẻ lạm dụng smartphone. Lâu dần, con có nguy cơ bị trầm cảm cao. Vì con thấy, chỉ cần một mình với chiếc điện thoại, với thế giới ảo trên này là đủ. Không cần giao tiếp. Không cần gặp gỡ bất cứ ai cũng cảm thấy ổn…
Bên cạnh đó, trẻ lạm dụng smartphone còn dễ mắc các bệnh về mắt. Nguyên nhân bởi khi trẻ tập trung, căng mắt nhìn màn hình điện thoại nhỏ trong khoảng cách gần. Lâu dần sẽ dẫn đến cận thị.
Trong khi nhiều nước trên thế giới khuyên cha mẹ không nên cho trẻ ở độ tuổi quá nhỏ đến tiểu học tiếp xúc với smartphone quá 2 giờ mỗi ngày thì ở nước ta, dường như lại chưa được kiểm soát. Thế là con bạn vừa dễ mắc bệnh về thể chất vừa dễ bị bệnh tâm thần do lối sống ít vận động, ít giao tiếp kiểu này.
Biểu hiện đặc trưng nhất chứng tỏ con bạn bị trầm cảm do dùng điện thoại quá nhiều
Theo Time, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Prevention Medical Reports cho thấy, trẻ em sử dụng điện thoại, máy tính, tivi… quá 7 giờ hoặc nhiều hơn mỗi ngày chắc chắn có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với nhóm chỉ sử dụng 1 giờ mỗi ngày.
Dữ liệu đến từ hơn 40.000 trẻ em từ 2-17 tuổi, được thu thập trong khuôn khổ Điều tra Quốc gia về Sức khỏe Trẻ em năm 2016 của Cục Điều tra Dân số.
Nghiên cứu cho thấy, trẻ dành 7 giờ mỗi ngày trên màn hình dễ bị phân tâm hơn, kém ổn định về mặt cảm xúc. Ngoài ra, trẻ gặp khó khăn hơn khi hoàn thành bài vở so với những trẻ chỉ dành 1 giờ mỗi ngày trên màn hình. Dữ liệu này không tính việc làm bài tập ở trường qua hình thức online.
TS Đỗ Minh Loan (Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi trung ương) nhấn mạnh, đây là những biểu hiện rất đặc trưng ở trẻ bị trầm cảm. Nếu con bạn đang lạm dụng sử dụng điện thoại, laptop, TV… thì càng không được bỏ qua. Tiếc là sức khỏe tâm thần ở trẻ hiện là vấn đề chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức, đầy đủ.
Ngoài những dấu hiệu đặc trưng trên, trẻ lạm dụng smartphone bị trầm cảm còn có những dấu hiệu nào?
Theo Webmd, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trầm cảm ở trẻ em có thể bao gồm:
– Xa lánh xã hội.
– Nhạy cảm hơn với sự từ chối.
– Thay đổi về sự thèm ăn, tăng hoặc giảm.
– Thay đổi giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều).
– Hay khóc.
– Thường xuyên mệt mỏi.
– Hay bị đau bụng, đau đầu không rõ lý do.
– Gặp rắc rối trong các hoạt động ở nhà, ở trường, với bạn bè, các hoạt động ngoại khóa…
– Thấy mình vô dụng, tội lỗi.
– Suy nghĩ về cái chết hoặc có hành vi tự sát, tự tử.
Lưu ý, không phải tất cả trẻ em đều có tất cả các triệu chứng này. Trên thực tế, hầu hết sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau tại các thời điểm khác nhau, trong hoàn cảnh cũng khác nhau. Cha mẹ, những người đang cho con dùng điện thoại quá nhiều nên chú ý nhìn nhận để có biện pháp xử lý kịp thời.