Nhiều người khi phải dùng kháng sinh hoặc khi bị bệnh tiêu hóa là bổ sung men tiêu hóa mà không biết men tiêu hóa có thể khiến cơ thể bị bệnh hoặc làm bệnh nặng thêm.
Từ “lành” thành “què”
Chị Đỗ Thị P., 38 tuổi (Hà Nội), thấy bụng ậm ạch, khó tiêu, đầy chướng nên mua men tiêu hóa về dùng. Nào ngờ được hai hôm bị đau quặn bụng, buồn nôn, nôn và đi ngoài ra máu. Đi khám được kết luận xuất huyết tiêu hóa mà nguyên nhân có thể là do đã bổ sung men tiêu hóa.
Ngược lại, ông Nguyễn Văn H., 51 tuổi (Thái Bình), lại dùng men tiêu hóa hằng ngày nhiều năm nay, bởi nếu không uống là ông lại thấy đại tiện táo hoặc bụng chướng, thức ăn không tiêu…
Gần đây ông uống thuốc cũng không còn tác dụng nữa, đi khám, xét nghiệm bác sĩ khuyên ông phải bỏ hẳn men tiêu hóa vì cơ thể ông lệ thuộc vào thuốc quá nhiều khiến cho dịch tiêu hóa không tiết ra nữa… Ông không thể ngờ rằng tự mình đã biến cơ thể “lành” thành bệnh.
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện 103, cho biết thực tế có rất nhiều người là bệnh nhân của men tiêu hóa mà không biết. Men tiêu hóa vẫn được coi là thuốc “bổ” của hệ tiêu hóa nên nhiều người dùng để bồi bổ.
Việc dùng tùy tiện, tiêu hóa kém là dùng men tiêu hóa, đi ngoài là dùng men tiêu hóa… không những không có lợi mà còn có thể bị bệnh tiêu hóa do chính men tiêu hóa.
Bởi men tiêu hóa là các chế phẩm có bổ sung các enzym tiêu hóa đông khô chúng sẽ giúp thức ăn phân hủy dễ dàng hơn và rất thích hợp cho những người đang bị chứng thiểu năng dịch dạ dày và các dịch tiêu hóa khác. Nhưng chính vì điều này đôi khi nó gây ra trục trặc, thậm chí là các trục trặc rất lớn.
Bác sĩ Cao Hồng Phúc phân tích, men tiêu hóa chỉ phù hợp với người thiểu năng tiết dịch tiêu hóa nên nếu là người bị ưu năng dịch dạ dày thì chúng hại nhiều hơn lợi, thậm chí gây chảy máu dạ dày.
Cơ chế gây viêm loét dạ dày ở đây là do dịch dạ dày tiết ra quá nhiều, ăn mòn và phá hủy luôn niêm mạc. Dùng men tiêu hóa là vô tình bổ sung các dịch này làm cho bệnh nặng thêm.
Vì thế, những người bị viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày hay ung thư dạ dày thì không nên dùng men tiêu hóa. Đặc biệt nguy hiểm nếu dùng thường xuyên, bởi men tiêu hóa là để bổ sung dịch tiêu hóa, nó có ích khi ta bị giảm thiểu men. Nhưng nếu dùng dài ngày, có thể phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt dịch tiêu hóa.
Điều này đặc biệt dễ xảy ra nếu như người dùng lạm dụng là người già, trẻ em hoặc người hoàn toàn bình thường về dịch tiêu hóa.
Giải thích điều này, bác sĩ Phúc cho biết, cơ thể người là một cỗ máy sống mang đặc điểm thích nghi sinh học. Cái nào cần thì sẽ lớn lên, phát triển, cái nào không cần thì nhỏ lại, teo đi.
Bình thường cơ thể vẫn tiết dịch để tiêu hóa thức ăn, nếu chúng ta cứ liên tục bổ sung dịch tiêu hóa thường xuyên, nhưng bộ máy tiết dịch lại hết sức bình thường thì nồng độ dịch tiêu hóa cao sẽ gây ra một phản ứng ngược là giảm tiết.
Cứ thế, các kích thích giảm tiết lặp lại khiến cho bộ phận tiết dịch teo đi. Lâu ngày chúng không tiết ra dịch nữa và ta mang bệnh. Khi đó, nếu ta không uống men tiêu hóa mà tự nhiên thấy bụng đầy lên, thức ăn có vẻ chậm tiêu thì lúc đó có nghĩa là đã bị lệ thuộc.
Nên dùng men tiêu hóa theo chỉ định của bác sĩ – Ảnh minh họa
Tự ý sử dụng cẩn thận biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Phúc, có nhiều người khi tiêu chảy là dùng ngay men tiêu hóa để chữa, họ không biết rằng làm như vậy là hoàn toàn sai. Men tiêu hóa còn làm tăng tiêu chảy. Bởi về mặt cơ bản, tiêu chảy xảy ra là do hệ thần kinh của ruột bị kích thích quá mức, vận động ruột tăng cao không kịp hấp thu nước và điện giải.
Khi dịch vị tăng tiết, chúng tăng kích thích nhu động ruột làm cho đi ngoài nặng thêm. Sản phẩm men tiêu hóa chứa các men từ dạ dày sẽ làm tăng nồng độ dịch vị nên có thể dẫn đến kích thích quá mức hệ thần kinh ruột. Hậu quả là người bệnh sẽ đi ngoài nặng thêm.
Một tác hại của việc lạm dụng men tiêu hóa đó là việc sử dụng tràn lan ngay cả khi đang dùng thuốc kháng sinh. Đặc điểm là các men tiêu hóa của dịch dạ dày có tác dụng phân hủy kháng sinh rất mạnh.
Nếu như chúng ta dùng men tiêu hóa trong khi chúng ta đang phải dùng kháng sinh thì nguy cơ thuốc kháng sinh bị phân hủy là chắc chắn và do đó hiệu quả chống nhiễm trùng sẽ không đạt được và như vậy rất nguy hiểm cho tính mạng.
‘Cuồng’ men tiêu hóa, men vi sinh, coi chừng tác dụng ngượcĐỌC NGAY
Bác sĩ Phúc khuyên tuy men tiêu hóa được coi là thuốc bổ của hệ tiêu hóa nhưng đừng vì thế mà lạm dụng hoặc tự ý sử dụng. Tốt nhất chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp bị rối loạn tiêu hóa phải dùng men tiêu hóa thì không nên chọn loại men tiêu hóa có các men của dạ dày như pepsin mà nên chọn men vi sinh (tức loại chứa vi khuẩn có lợi, một số người cũng đánh đồng gọi chúng là men tiêu hóa).
Tuyệt đối không nên dùng chung kháng sinh với men tiêu hóa. Nếu bắt buộc phải dùng hai thứ vì hai bệnh kết hợp, thì nên uống kháng sinh trước, sau chừng 30 phút đến 1 giờ mới được dùng men tiêu hóa.
Trường hợp dùng men tiêu hóa lâu ngày khiến cơ thể không tiết men tiêu hóa nữa thì phải dừng. Tuy nhiên không nên bỏ hoàn toàn ngay mà hãy giảm liều dần dần và dừng hẳn, có thể giúp hệ tiêu hóa được phục hồi.
Còn nếu dịch tiết men tiêu hóa của cơ thể vẫn đang ở ngưỡng an toàn thì nên dừng ngay men tiêu hóa trước khi quá trễ.
Những trường hợp chống chỉ định dùng men tiêu hóa
Một số loại men tiêu hóa có thể chống chỉ định trong các trường hợp nhất định, cụ thể như:
– Men tiêu hóa có nguồn gốc từ động vật: Không dùng cho người đang ăn kiêng thực phẩm từ động vật. Tránh sử dụng enzyme tiêu hóa nếu bị dị ứng với các thành phần hoặc dẫn xuất của loại men đó.
– Enzyme Bromelain: Không dùng cho người bệnh có lượng tiểu cầu thấp hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu; phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Mâm cao cỗ đầy ngày Tết và men tiêu hóa
Ngày tết, đối phó mâm cao cổ đầy, đầy bụng khó tiêu gần như là “số trời” đã định với nhiều người.